Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Cách đối xử với những người ghét mình


Trong một ngôi chùa cũ nát, sau khi tiểu đệ tử cứ phàn nàn than vãn hoài không ngớt, vị lão hòa thượng hỏi một câu đã giúp cậu bừng tỉnh: “Chăn bông sưởi ấm cho người hay là người sưởi ấm cho chăn bông?”…



Trong một ngôi chùa cũ nát, tiểu hòa thượng chán nản thất vọng nói với lão hòa thượng: “Trong cái chùa nhỏ bé này chỉ có hai hòa thượng chúng ta, lúc con đi xuống núi hóa duyên, mọi người đều là nói những lời ác với chúng ta, còn thường xuyên gọi con là hòa thượng hoang. Họ cho chúng ta tiền hương khói càng ngày càng ít đến thê thảm”.

Tiểu hòa thượng nói tiếp: “Hôm nay con đi khất thực, trời lạnh như vậy mà không có một ai mở cửa cho con, đến cơm bố thí cũng được ít. Chùa Bồ Đề chúng ta muốn thành một ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông vang xa không ngớt như Sư Phụ nói, con e là không thể”.

Lão hòa thượng khoác lên mình chiếc áo cà sa không nói lời nào, chỉ nhắm mắt lại lẳng lặng nghe, tiểu hòa thượng cứ nói và cằn nhằn liên miên…

Cuối cùng lão hòa thượng mở mắt to hỏi: “Bây giờ bên ngoài gió bấc thổi mạnh, lại có băng tuyết ngập trời, con có thấy lạnh không?”

Tiểu hòa thượng toàn thân run rẩy nói: “Con lạnh, hai chân con đều tê cóng cả rồi!”

Lão hòa thượng nói: “Vậy chi bằng chúng ta đi ngủ sớm đi”.

Lão hòa thượng và tiểu hòa thượng tắt đèn chui vào trong chăn ngủ.

Một giờ sau, lão hòa thượng hỏi: “Bây giờ con có thấy ấm không?”

Tiểu hòa thượng trả lời: “Đương nhiên là con thấy ấm rồi, giống như ngủ dưới ánh mặt trời vậy!”

Lão hòa thượng nói:

“Khi nãy, chăn bông để ở trên giường là lạnh, thế nhưng khi có người nằm vào lại trở nên ấm áp. Con thử nói xem, là chăn bông sưởi ấm cho người hay là người sưởi ấm cho chăn bông đây?”

Tiểu hòa thượng nghe xong liền nở một nụ cười nói: “Sư phụ, người thật là hồ đồ đó, chăn bông làm sao có thể sưởi ấm cho người được, phải là do con người làm chăn bông ấm lên mới đúng chứ!”

Lão hòa thượng hỏi: “Chăn bông đã không cho chúng ta sự ấm áp lại còn cần chúng ta đi sưởi ấm nó, như thế thì chúng ta còn đắp chăn bông làm gì?”

Tiểu hòa thượng nghĩ nghĩ một lát rồi nói: “Mặc dù chăn bông không sưởi ấm cho chúng ta, nhưng chăn bông dày lại có thể giữ hơi ấm cho chúng ta, khiến cho chúng ta ngủ được thoải mái”.

Trong bóng tối, lão hòa thượng hiểu ý cười cười: “Chúng ta là hòa thượng tụng kinh rung chuông, chẳng phải là giống người nằm dưới chăn bông? Còn những chúng sinh kia chẳng phải họ là một cái chăn bông dày đó sao? Chỉ cần chúng ta một lòng hướng thiện, thì chiếc chăn bông lạnh như băng kia cuối cùng cũng sẽ được chúng ta sưởi ấm. Lúc đó “cái chăn bông” dày kia cũng sẽ biết giữ ấm cho chúng ta. Chúng ta ngủ trong “cái chăn bông” như vậy, chẳng phải rất ấm áp sao? Ngôi chùa ngàn gian, tiếng chuông chùa ngân vang không ngớt, còn có thể là trong mơ được sao?”

Tiểu hòa thượng nghe xong liền bừng tỉnh mà hiểu ra hết.

Bắt đầu từ ngày hôm sau, tiểu hòa thượng đều dậy rất sớm đi xuống núi hóa duyên. Tiểu hòa thượng cũng vẫn gặp phải những lời ác như trước đây. Thế nhưng tiểu hòa thượng trước sau gì đều giữ vững thái độ nho nhã và lễ độ đối xử với mọi người.

Mười năm sau…

Chùa Bồ Đề đã trở thành ngôi chùa có diện tích hơn mười km, có rất nhiều hòa thượng, khách hành hương tới không ngớt. Tiểu hòa thượng cũng đã trở thành vị sư trụ trì.

Kỳ thực trên thế giới này, chúng ta đều là đang nằm trong chăn bông, người khác chính là chăn bông của chúng ta. Khi chúng ta dụng tâm đi sưởi ấm chăn bông thì chăn bông cũng sẽ giữ ấm cho chúng ta.

Ngủ…đắp…cả một đời, vậy mà hôm nay mới biết…

Hóa ra mối quan hệ giữa người và chăn bông là như vậy, thật là có đạo lý phải không?




Theo Daikynguyenvn.com - Đạo lý đơn giản từ việc đắp chăn bông

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Suy ngẫm với triết lý nhân sinh ẩn chứa trong 11 mẩu truyện cười


Bạn thường đọc truyện cười với mục đích gì? Chỉ để tìm kiếm những giờ phút thư giãn? Hôm nay chúng ta hãy cùng đọc truyện cười để rút ra triết lý cuộc sống nhé!

1. Kiến trúc sư

Một người phụ nữ đã có chồng gọi điện thoại cho một anh kiến trúc sư, nói mỗi lần tàu hỏa đi qua, giường ngủ của cô ta lại lắc lư.

“Không thể nào! Để tôi đến xem sao!”, anh kiến trúc sư nói.
Sau khi anh kiến trúc sư đến, người phụ nữ kia kiến nghị anh ta hãy nằm trên giường, trải nghiệm cảm giác khi tàu hỏa đi qua.

Anh kiến trúc sư vừa nằm xuống giường, chồng của người phụ nữ bỗng nhiên trở về nhà. Anh ta nhìn thấy tình hình trước mặt, bèn nghiêm giọng hỏi: “Thằng kia! Mày nằm trên giường vợ tao làm gì hả?”.
Anh kiến trúc sư nơm nớp sợ hãi: “Tôi nói là đang đợi tàu hỏa, anh có tin không?”.


Triết lý rút ra: Có những lời nói là thật, nhưng nghe lại rất giả. Có những lời nói là giả, nhưng lại khiến người ta tin tưởng vô điều kiện.

2. Học vấn và tiền bạc



Hai bố con nhà nọ đang đi ngang qua cổng một khách sạn 5 sao, bỗng nhìn thấy một chiếc xe hơi thương hiệu nổi tiếng lái vào cổng. Cậu con trai nói với cha mình bằng giọng điệu khinh thường: “Người ngồi loại xe này, trong đầu chắc chắn là chẳng có học vấn gì!”.

Ông bố nói bằng giọng điệu nhẹ nhàng: “Người nói những lời này, trong túi chắc chắn là không có tiền!”.


Triết lý rút ra: Cách nhìn nhận về người và việc của bạn, có phản ánh thái độ chân thực những gì bạn đang nghĩ?

3. Đánh vỡ bát

Sau bữa ăn tối, mẹ và con gái cùng rửa bát, bố và con trai ngồi xem ti vi trong phòng khách. Đột nhiên, trong nhà bếp truyền đến tiếng bát đĩa vỡ loảng xoảng, sau đó là một khoảng lặng dài. Cậu con trai nhìn bố mình, nói: “Chắc chắn là mẹ đánh vỡ bố ạ!”.

Ông bố: “Ồ? Sao con biết?”.

Cậu con trai: “Bởi vì mẹ không lên tiếng mắng chửi gì hết ạ!”.


Triết lý rút ra: Chúng ta đã quen nhìn người nhìn mình bằng các tiêu chuẩn khác nhau, và chúng ta luôn “nghiêm khắc với người khác, khoan dung với bản thân mình”.
4. Lải nhải

Chị vợ đang nấu nướng trong nhà bếp, anh chồng cứ đứng bên lải nhải không ngừng: “Chậm thôi! Cẩn thận! Lửa lớn quá! Mau lên! Lật cá đi! Ôi cho nhiều dầu quá!”.

Chị vợ nói: “Em biết phải nấu nướng thế nào!”.

Anh chồng: “Em đương nhiên là biết, bà xã”.

Anh chồng bình tĩnh nói tiếp: “Anh chỉ là muốn em biết, khi anh lái xe, em ở bên lải nhải không ngừng, cảm giác của anh thế nào thôi!”.

Triết lý rút ra: Học cách thông cảm cho người khác không khó, chỉ cần bạn nghiêm túc đứng ở góc độ và lập trường của đối phương để nhìn nhận vấn đề.


5.Lợn


Một hôm, anh A lái xe trên một con đường nhỏ, khi anh ta đang nhìn ngắm phong cảnh tươi đẹp, thì tài xế của chiếc xe chở hàng đi ngược chiều bỗng hạ cửa kính xuống lớn tiếng nói: “Lợn!”.

Anh A càng nghĩ càng điên tiết, quyết định hạ cửa kính xuống quay đầu mắng chửi: “Mày mới là lợn ấy!”. Vừa mắng chửi xong, anh A bèn đụng phải một đàn lợn đi ngang qua đường.


Triết lý rút ra: Đừng hiểu lầm ý tốt của người khác, nó chỉ khiến bạn chịu thiệt thòi hơn và làm nhục người ta thôi. Trước khi tìm hiểu rõ ràng nguyên nhân, hãy học cách kìm nén cảm xúc, nhẫn nại quan sát, tránh xảy ra những chuyện đáng tiếc.
6. Người làm bố


Cậu con trai nhỏ hỏi bố mình: “Bố ơi! Có phải người làm bố luôn hiểu rộng biết nhiều hơn con trai mình không ạ?”.

Ông bố trả lời: “Đương nhiên rồi con”.

Cậu con trai hỏi: “Bóng đèn là ai phát minh hả bố?”.

Ông bố: “Là Thomas Edison”.

Cậu con trai lại hỏi: “Vậy sao bố của Thomas Edison lại không phát minh ra bóng đèn hả bố?”.


Triết lý rút ra: Người thích “cậy già lên mặt”, dễ dàng gặp trắc trở. Quyền uy chỉ là cái vỏ rỗng không chịu nổi thử thách, đặc biệt là trong thời đại mở cửa như hiện nay.

7. Quyến rũ

Một người đàn ông nước Anh và một người phụ nữ nước Pháp ngồi cùng một toa tàu hỏa. Người phụ nữ muốn quyến rũ người đàn ông nước Anh này. Sau khi cô ta cởi bỏ đồ nằm xuống, bèn kêu mình lạnh. Người đàn ông kia nhường chăn của mình cho cô ta, cô ta vẫn không ngừng kêu lạnh.

“Tôi phải làm thế nào để giúp cô đây?”, người đàn ông hỏi.

“Khi tôi còn nhỏ, mẹ của tôi đều dùng cơ thể của bà để sưởi ấm cho tôi.”

“Cô à, điều này thì tôi không thể giúp được rồi. Tôi không thể nhảy xuống tàu hỏa đi tìm mẹ cô được, phải vậy không?”.


Triết lý rút ra: Người đàn ông giỏi đoán lòng người là người đàn ông tốt. Người đàn ông không giỏi đoán lòng người còn tốt hơn.
8. Thìa

Một vị khách bước vào một nhà hàng, gọi một phần súp, nhân viên phục vụ bưng lên cho anh ta ngay tức khắc.

Nhân viên phục vụ vừa đi, anh ta đã nói: “Xin lỗi, tôi không có cách nào dùng phần súp này”.

Nhân viên phục vụ lại bưng lên cho anh ta một phần súp khác, anh ta vẫn nói: “Xin lỗi, tôi không có cách nào dùng phần súp này”.

Nhân viên phục vụ đành gọi giám đốc.

Giám đốc cung kính gật đầu về phía anh ta, nói: “Chào quý khách, món súp này là món súp nổi tiếng của nhà hàng, được rất nhiều thực khách yêu thích, lẽ nào ngài...”.
“Ý tôi là, thìa đâu rồi?”.

Triết lý rút ra: Có sai thì sửa, đương nhiên là chuyện tốt. Thế nhưng chúng ta lại thường sửa chữa những điều đúng đắn, giữ lại những điều sai lầm, kết quả là sai càng thêm sai.


9. Điện báo

Một người Scotland đi London, muốn nhân tiện thăm một người bạn cũ, nhưng lại quên địa chỉ của người bạn cũ kia, thế nên đã gửi điện báo cho ông bố của mình: “Bố biết địa chỉ của XX không ạ? Bố trả lời con nhanh nhé!”.
Hôm đó, anh ta nhận được điện báo gấp: “Biết”.


Triết lý rút ra: Khi cuối cùng chúng ta cũng tìm được đáp án đúng đắn nhất, thì lại phát hiện ra rằng nó là đáp án vô dụng nhất.
10. Giúp đỡ

Tại bưu điện, một bà già đi đến trước mặt một anh thanh niên, cất giọng khách sáo: “Xin hỏi, cháu có thể giúp bà viết địa chỉ lên tấm bưu thiếp này không?”.

“Đương nhiên là có thể ạ”, anh thanh niên làm theo yêu cầu của người già.

Bà già lại nói: “Giúp bà viết một vài câu, được không? Cảm ơn!”.

“Được ạ”. Sau khi anh thanh niên làm theo yêu cầu của người già, mỉm cười hỏi: “Bà còn cần cháu giúp gì không ạ?”.

“Ừm, còn một chuyện nhỏ nữa”, bà cụ nhìn vào tấm bưu thiếp nói: “Giúp bà viết thêm một câu bên dưới rằng, Chữ viết nguệch ngoạc, kính mong lượng thứ”.


Triết lý rút ra: Nếu bạn không chịu giúp đỡ, người ta sẽ hận bạn một tuần. Nếu bạn giúp đỡ không đến nơi đến chốn, còn không bằng...
11. Chậm như rùa

Trong viện bảo tàng, bà vợ nói với ông chồng mình bằng giọng điệu mất kiên nhẫn: “Tôi cứ thắc mắc là tại sao ông lại đi chậm như rùa, thì ra là ông cứ dừng lại để ngắm mấy thứ này!”.


Triết lý rút ra: Có người chỉ biết chạy trên con đường của cuộc đời, kết quả đã đánh mất cơ hội nhìn những đóa hoa xinh đẹp ở hai bên đường.
Nguồn: haha365.com

Dịch: Hải Đường - Ohay TV

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Bé học lắp ráp hình

Ngày Vui Của Bé Khi Được Đến Trường

Bạn có thể làm gì với vỏ Chanh - Cam - Bưởi


Chanh thần kỳ thế nào, có lẽ không còn ai là không biết, nhưng mọi người mới chỉ tập trung vào phần nước cốt chanh, “vắt chanh” xong thì vội vàng bỏ vỏ” mà không biết rằng phần vỏ này cũng thần thánh không kém.

Hãy cùng xem nhé:

1.
Công dụng mà có lẽ nhiều người đang nghĩ đến đầu tiên là công dụng làm sạch:

Gội đầu:
Tinh dầu có trong vỏ chanh, bưởi có nhiều tinh chất, giúp tóc bóng, mượt, chắc hơn, giảm rụng. Chỉ cần cho các loại vỏ này vào nồi nước đun, để nguội bớt và dùng để gội đầu, tóc bạn không chỉ đẹp mà còn thơm. Còn có kinh nghiệm rằng bạn xay nhuyễn vỏ chanh, hòa với nước cốt chanh để massage da đầu trước khi gội sẽ giúp loại bỏ gàu và ngăn rụng tóc hiệu quả.

Tẩy tế bào chết:
Bạn băm nhỏ vỏ chanh, trộn với khoảng ½ cốc đường, thêm vừa đủ dầu oliu. Làm ẩm người trước khi tắm, sau đó massage toàn thân bằng hỗn hợp này, tắm lại sạch sẽ và thưởng thức làn da mịn màng thơm mát của mình.

Làm sáng bình cà phê:
Một mẹo cũ để làm sạch và sáng bóng bình đựng cà phê bằng thủy tinh đó là: bạn hãy cho muối, đá viên và vỏ chanh vào cái bình cà phê không, lắc tròn cho những thứ trong bình cuộn lên khoảng 1-2 phút, sau đó đổ ra và súc sạch.

Làm sạch ấm trà: Để làm sạch cặn khoáng bám lại bên trong ấm, bạn hãy cho nước và một nắm vỏ chanh vào, đun sôi lên. Sau đó bạn tắt bếp, để nguyên khoảng 1 tiếng đồng hồ rồi súc rửa sạch.


Sau khi vắt chanh lấy nước uống, bạn hãy giữ lại vỏ để làm sạch và thơm mát nhà mình. (Ảnh: Internet)

Vỏ chanh cũng có thể góp phần làm sạch và thơm không khí, với cách làm rất đơn giản: chỉ cần cho vào nồi và đun liu riu; hoặc bạn bỏ vỏ chanh vào tủ lạnh, bồn rửa, thùng rác… để làm mất những mùi khó chịu.

2.
Chanh, cam… thơm vậy, đã bao giờ bạn nghĩ đến chuyện dùng chúng để ướp mùi cho các loại thực phẩm khác của mình?

Bạn giã vỏ cam quít, đổ chút dầu oliu vào, sau đó bạn đổ tất cả vào một cái hũ đã có sẵn dầu, để yên khoảng 6 tiếng, sau đó chắt dầu sang một cái hũ sạch.

Bạn cho mật ong hoặc giấm với vỏ cam quít, trộn lên rồi để yên cho thấm vị, sau đó cũng chắt mật ong / giấm ra và cất trong hũ sạch.

Bạn cho một ít vỏ chanh vào chung với đường nâu để giúp giữ đường đủ ẩm, không bị đóng thành cục, và đường cũng sẽ mùi thơm đặc biệt hơn. Bạn cũng có thể dùng các loại vỏ nhiều mùi đặc trưng hơn để ướp hương cho đường, chẳng hạn như dùng vỏ của quả vanilla tươi.

3.
Theo nghiên cứu, vỏ chanh chứa rất nhiều vitamin, chất khoáng, chất xơ… vậy nên tất nhiên, chúng ta cũng không thể quên nhắc đến công dụng làm tăng hương vị cho món ăn.

Làm vỏ chanh bào:
Nếu thích ăn các món Tây, bánh ngọt, có lẽ bạn cũng đã để ý thấy trong công thức chế biến của họ thỉnh thoảng lại có thứ gọi là “lemon zest” - được dùng để tăng hương vị của món ăn. “Zest” chính là phần vỏ ngoài cùng của cam, chanh… và không khó để bạn có được một hộp zest để có thể thỏa sức thử nghiệm những món ăn ngon lành thấy ở trên mạng:


Rất đơn giản để bạn có được vỏ chanh nạo, sẵn sàng bắt tay thử nghiệm những món ngon đã thấy ở trên mạng. (Ảnh: Internet)

  • Bạn rửa thật sạch quả, để khô trước khi nạo vỏ. Để cho thao tác được dễ dàng hơn, hãy để chanh vào tủ lạnh cho lạnh;
  • Dùng bàn bào, dao nạo… và cứ thế mà… nạo thôi;
  • Bạn vừa nạo vừa xoay tròn quả, nhớ là hãy dừng tay khi chạm đến phần vỏ trắng để món ăn sau này không bị lẫn vị đắng, bớt ngon. Sau khi bào xong, bạn có thể tiếp tục băm cho nhỏ hơn hoặc để nguyên sợi và cất vào hộp kín, cất trong ngăn đá để trữ được lâu.

Làm bột chanh: Bạn gọt hoặc tách lấy vỏ của các loại trái cây họ cam chanh (chanh, cam, bưởi) sao cho sạch sẽ, chỉ có lớp vỏ màu, không lấy phần vỏ trắng, để phơi khô khoảng 3-4 ngày, sau đó cho vào máy và xay ra thành bột. Nếu muốn tăng thêm hương vị, bạn có thể cho phần vỏ này vào lò nướng, để nhiệt độ thấp trong khoảng 5-10 phút trước khi xay ra. Bạn giữ số bột này trong một cái hũ sạch, cất trong tủ lạnh và để dùng dần.


Vỏ chanh có thể góp phần tạo nên những món ăn dễ thương như thế này! (Ảnh: Internet)

Bạn còn có thể trộn chung bột này với đường, hoặc đơn giản là dùng vỏ chanh tươi bỏ vào hũ đường, để cho tinh dầu từ vỏ thấm vào đường rồi bỏ vỏ ra. Hoặc bạn trộn bột này (cũng có thể dùng vỏ chanh đã được nạo) với tiêu, muối... để tạo thành loại gia vị tủ, tiện dụng khi cần tẩm ướp thực phẩm.

Thật là yêu vỏ chanh quá đi!